Làng đá mỹ nghệ Non Nước là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất Đà Nẵng, đã định vị trên địa bàn gần 400 năm. Với những tác phẩm đá điêu khắc nghệ thuật vô cùng đa dạng từ đơn giản đến phức tạp do các nghệ nhân Đà Nẵng chế tác đã có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước đều là những người có tay nghề cực kì cao.
Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước nằm ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là một trong số ít làng nghề truyền thống còn lại trên địa bàn thành phố và cũng là làng nghề có quy mô hoạt động lớn nhất, tiềm năng phát triển nhất hiện nay. Nghề chế tác đá này có từ thế kỷ XVII do một nghệ nhân có tên là Huỳnh Bá Quát lập nên. Lúc đầu nghề đá chỉ là nghề phụ sau nghề chính là làm nông. Dần dần các sản phẩm chế tác từ đá có giá trị nghệ thuật ngày càng cao, mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế, từ đó thu hút nhiều lao động, hình thành nên một làng nghề điêu khắc đá của vùng đất Ngũ Hành Sơn như ngày nay.
Ấn tượng đầu tiên khi đến với khu chế tác làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn đó là tiếng đục đẽo, tiếng máy xay đá vang lên khắp mọi nơi. Dọc các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Duy Trinh v.v… có hàng trăm cửa hiệu trưng bày các sản phẩm điêu khắc đá. Anh Nguyễn Thêu, một thợ lành nghề tại làng nghề cho hay: “Các sản phẩm đều được điêu khắc rất tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn từ chọn đá, hình dung pho tượng, đục đẽo cho đến khâu cuối cùng là mài và đánh bóng tượng. Công việc này vừa là niềm đam mê, vừa là nguồn thu nhập chính của mọi người”.
Trước đây, nguồn đá sản xuất được lấy trực tiếp từ núi Ngũ Hành Sơn, tuy nhiên vì sợ mất đi danh thắng Ngũ Hành Sơn nên các cấp chính quyền đã cấm người dân khai thác đá tràn lan, chỉ được phép khai thác những tảng đá rơi vãi bên ngoài. Sau này thì gần như nguồn nguyên liệu các cơ sở đều nhập từ bên ngoài chứ không khai thác tại 5 ngọn núi Ngũ hành này nữa, chủ yếu từ các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Ninh, v.v… Chất liệu được sử dụng rất đa dạng như đá vôi, cẩm thạch, sa thạch, thu hút nhất với du khách là nhiều loại đá tự nhiên với nhiều màu sắc đẹp và đường vân độc đáo như đá Mắt Mèo, đá Thạch Anh. Tất cả đã tạo cho làng nghề đá Non nước một bức tranh đa dạng và đầy màu sắc.
Những lớp nghệ nhân bây giờ với nhiều tác phẩm độc đáo, đa dạng đã tiếp nối con đường thời gian dài chừng 4 thế kỷ của các nghệ nhân đi trước với sản phẩm đầu tay là điêu khắc các văn bia, bia mộ. Có thể nói, gần như hầu hết các văn bia thuộc địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng, từ những năm đầu thế kỷ XVII cho đến sau này đều do thợ đá thủ công Non Nước điêu khắc. Nổi bật trong số đó có thể kể đến là văn bia cổ dựng ở chùa Phổ Khánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được lập vào năm Mậu Ngọ (1678) đời vua Lê Hy Tông; Văn bia chùa Long Thủ, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, lập năm Quý Dậu (1693) cũng từ đời vua Lê Hy Tông.
Kéo dài đến ngày nay, trong làng đá mỹ nghệ Non nước có những gia đình có đến 4, 5 thế hệ làm nghề chế tác đá. Như gia đình nghệ nhân Lê Bền là một trong những gia đình có truyền thống 4 đời, đã để lại cho các thế hệ sau những mẫu điêu khắc vô cùng tinh tế và độc đáo, mang cả giá trị truyền thống và hiện đại. Cùng với nghệ nhân Lê Bền, còn có nhiều nghệ nhân đam mê điêu khắc, có nhiều sáng tạo trong nghề như nghệ nhân Nguyễn Hùng, nghệ nhân Nguyễn Minh, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu và nhiều nghệ nhân khác.
Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng và phong phú. Từ những đồ dùng thông dụng, thô sơ của cuộc sống đời thường như chày, cối, chén bát đến những đồ trang sức nhỏ gọn, tinh xảo, đủ các màu sắc… Hiện nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật khi điêu khắc nên các tượng đài, các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa; các linh thú Long, Lân, Quy, Phượng để trang trí và các tượng Phật, thánh, thần thể hiện văn hóa tín ngưỡng tâm linh tại các chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, cung đình.

Tựu trung lại, sản phẩm của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng gồm 10 nhóm chính đó là: tượng tín ngưỡng tôn giáo, tượng người, tượng cách điệu, bàn ghế, bồn tắm, danh nhân, tượng thú, đèn vườn, bình hoa, bia mộ. Tất cả đều được chạm trổ hoa văn rất tỉ mỉ và rất tinh xảo. Khách tham quan nhiều nơi đến đây đều ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân điêu khắc và những sản phẩm độc đáo của họ.
Với những bức tượng Phật, hay các tượng kích cỡ lớn như sư tử, các loại bàn, ghế, viên đá loại to v.v… thường thì được các chùa, các công ty mua về sử dụng. Còn với người dân và du khách thì thường mua các mặt hàng lưu niệm như dây chuyền, mặt dây chuyền bằng đá, nhẫn, vòng tay, các tượng con vật nhỏ, còi, bút v.v…
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nơi đây, các tác phẩm nghệ thuật đầy tinh xảo đã được ra đời và theo chân du khách đi khắp cả nước, đến các nước như Pháp, Mỹ, Úc…
Làng nghề đá Non Nước còn gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, với lễ hội Quán Thế Âm – thu hút hàng vạn du khách đến dự vào tháng hai âm lịch hàng năm. Đến với làng đá Non Nước, với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhàng trong một không gian tĩnh lặng, trầm mặc và huyền bí của những ngôi chùa trên núi Ngũ Hành Sơn, đến cảm giác rộn ràng như đang hòa mình trong những thanh âm rộn rã phát ra từ mũi ve đục đá dưới những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đang gieo ý tưởng trên những khối đá thô cục thành các tác phẩm nghệ thuật.
Có thể nói, mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cần mẫn. Từng mũi khoan, nét đục đẽo của những nghệ nhân đều thể hiện một niềm đam mê với những tảng đá, một tình yêu với nghề truyền thống bao đời của cha ông. Mỗi tác phẩm là một minh chứng cho đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân vùng đất Ngũ Hành Sơn. Chính nhờ thế, làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.
——————————-
CÔNG TY TNHH MTV ĐÁ MỸ NGHỆ NGŨ HÀNH SƠN
127 Ấp Bắc, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0788.565.909
Email: vinhhien207@gmail.com
Thời gian làm việc:
- Thứ 2-7 : 07h00 đến 20h00
- Chủ nhật: 07h00 đến 19h00